Lượt xem: 762

Tín hiệu vui cho nông dân trồng bí đao bung

Bí đao bung là cây màu được trồng từ nhiều năm nay tại một số địa phương thuộc huyện Trần Đề. Cũng như rất nhiều nông sản khác, bí đao bung khi thu hoạch thường xuyên phải chịu sức ép về giá và khó khăn trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, câu chuyện buồn này đã không còn xảy ra đối với nhiều nông dân trồng bí đao bung ở xã Viên An, huyện Trần Đề. Bởi giờ đây, toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch đã được công ty liên kết bao tiêu với giá bán luôn dao động ở mức có lợi cho người trồng.

 


Thu hoạch bí đao bung

 

    Bên cạnh công việc chính là trồng lúa, tận dụng đất bờ kênh xung quanh ruộng, nhiều năm nay, ông Châu Mít ở ấp Trà Đức, xã Viên An, huyện Trần Đề còn trồng thêm cây bí đao bung để có thu nhập tăng thêm cho gia đình. Theo ông Châu Mít chia sẻ, nếu như trước kia, gia đình chỉ trông chờ vào mỗi mùa tết để giá bán ổn định hơn do nhu cầu nguyên liệu dùng để làm mứt, thì hiện nay, cả những ngày thường, công ty tại tỉnh cam kết thu mua bí đao với mức giá từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, đối với trái có trọng lượng từ 4 kg. Điều đáng mừng là toàn bộ số bí đao bung đều được công ty phân loại để thu mua mà không bỏ lại trái nào. Vì vậy, nông dân chỉ việc chăm sóc cho cây đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Ông Châu Mít vui mừng cho biết: “Tôi trồng trái bí đao bung này cũng nhiều năm lắm rồi, nhưng lúc trước thì lo lắng lắm, vì không biết khi thu hoạch giá cả như thế nào. Giờ thì có công ty bao tiêu nên yên tâm. Trái đẹp là đạt trên 10kg, trừ chi phí xong lợi nhuận cũng được 4 - 5 triệu đồng/công”.

    Tại huyện Trần Đề, diện tích trồng bí đao bung thường tập trung nhiều ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đa số là tận dụng đất bờ kênh hay trồng xen canh, luân canh trên đất lúa. Từ thực tế này, bên cạnh liên kết tiêu thụ, công ty còn hỗ trợ cây giống và tạm ứng 1 triệu đồng mỗi hộ để tất cả nông dân đều có điều kiện tiếp cận mô hình. Nhờ vậy, từ làm ăn rời rạc, nhỏ lẻ, nông dân tại xã Viên An đã hình thành được Tổ hợp tác trồng bí đao bung ấp Trà Đức và ấp Bờ Đập để cung cấp sản lượng ổn định cho công ty. Tính riêng trong vụ đầu tiên, Tổ hợp tác đã cung ứng cho công ty 180 tấn bí/6 ha với lợi nhuận thu về trên 315 triệu đồng. Anh Châu Den – thành viên Tổ hợp tác trồng bí đao bung ấp Trà Đức và ấp Bờ Đập, xã Viên An cho biết thêm: “Đa số bà con ở đây kinh tế rất khó khăn. Khi tham gia Tổ hợp tác được công ty hỗ trợ vốn để sản xuất bà con rất yên tâm. Lúc trước trồng nhỏ lẻ đầu ra không ổn định, giờ tham gia tổ hợp tác được bao tiêu đầu ra như vậy ai cùng thấy rất mừng”.

    Thuộc vùng hệ thống thủy lợi khép kín Long Phú – Tiếp Nhựt, chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước tưới như trồng rau màu là một trong những thế mạnh của huyện Trần Đề, với diện tích canh tác hằng năm đạt gần 3.700 ha. Hiện nay, dưa hấu là cây màu chủ lực được huyện ưu tiên phát triển, đồng thời đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ từ nhiều năm nay. Cùng với dưa hấu, với tín hiệu khả thi mang lại, bí đao bung là cây trồng tiếp theo đang được địa phương triển khai kế hoạch mở rộng vùng trồng, nhằm từng bước định hướng cho người nông dân huyện nhà xây dựng được mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa ổn định về giá bán, vừa bền vững về đầu ra. Đồng chí Trần Hoàng Dũng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với UBND các xã, thị trấn, đặc biệt là những vùng có khả năng nhân rộng như: Viên An, Viên Bình, Tài Văn, Thạnh Thới An, Liêu Tú. Ngoài sự hỗ trợ của công ty, chúng tôi còn giao cho Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện để trang bị thêm kiến thức cho bà con. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn để bà con nắm vững kiến thức về trồng màu, đặc biệt là cây bí đao bung”.

    Từ 17 thành viên với diện tích 6 ha, đến nay, Tổ hợp tác trồng bí đao bung ấp Trà Đức và ấp Bờ Đập của xã Viên An đã phát triển được 26 thành viên với diện tích gieo trồng đạt 8,25 ha. Lựa chọn được cây trồng hiệu quả để phát triển, hợp tác cùng nhau nhằm tạo dựng được chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Tất cả là cơ hội tốt để nghề trồng rau màu của huyện Trần Đề có thể duy trì ổn định trước sự biến động liên tục về giá bán và tác động cung - cầu của thị trường nông sản, quan trọng là tạo được sinh kế bền vững cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 68
  • Hôm nay: 7662
  • Trong tuần: 78,369
  • Tất cả: 11,801,689